Site icon WW88

Một “Mặt khác” rất… khác

Một "Mặt khác" rất… khác - Ảnh 1.

“Mặt khác” ở đây không phải là mặt trái, mặt phải, mặt trước, mặt sau. Chữ khác, theo một nghĩa nào đó, có thể hiểu là sự khác biệt đặc thù để tạo nên góc nhìn và bản sắc riêng của từng người trong nhóm 3 ông bạn thân: nhà văn Nguyễn Việt Hà, họa sĩ Lê Thiết Cương và nhà điêu khắc Đinh Công Đạt.

1. Cuộc trưng bày Mặt khác – Other wise do nhóm tác giả này tổ chức đang diễn ra tại Hội quán Quảng Đông (22 Hàng Buồm, Hà Nội) và sẽ kéo dài tới 11/10. Nhưng ngay từ thời điểm này, toàn bộ số 150 chiếc mặt nạ trưng bày đã được người xem và các nhà sưu tập đăng ký mua, trong đó có hơn 100 chiếc được bán vào hôm khai mạc 13/9.

Ở bối cảnh hiện tại, giống như nhiều chương trình nghệ thuật khác, toàn bộ số tiền thu về từ việc bán tác phẩm của Mặt khác sẽ được sử dụng cho việc cứu trợ đồng bào gặp nạn do cơn bão Yagi.

“Chúng tôi không muốn dùng những từ đao to búa lớn để nói về sự ủng hộ này. Ngắn gọn, đó là trách nhiệm xã hội của mỗi người khi đối diện với mất mát chung” – họa sĩ Lê Thiết Cương nói – “Và khi không thể tổ chức đá bóng để bán vé như các cầu thủ hay mời đồng nghiệp biểu diễn như các ca sĩ, chúng tôi chỉ biết làm điều ấy theo nghề nghiệp sẵn có của mình”.

“Nghề nghiệp sẵn có” của nhóm tác giả tổ chức Mặt khác thì đa phần không ai lạ. Trên dưới ba chục năm qua, họ là những cái tên đã được định danh trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật: Đinh Công Đạt (sinh năm 1966) là nhà điêu khắc từng có nhiều triển lãm trong nước và quốc tế; Lê Thiết Cương (1962) là họa sĩ nổi tiếng với việc theo đuổi phong cách hội họa tối giản; Nguyễn Việt Hà (1962) là tác giả của các tiểu thuyết Cơ hội của chúa, Khải huyền muộn, Thị dân tiểu thuyết và gần đây nhất là Tuyệt không dấu vết (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2023) cùng rất nhiều truyện ngắn, tạp văn…

Khá thú vị, 30 năm qua cũng là khoảng thời gian những người bạn này quen biết và chơi thân với nhau. Ngoài nghề nghiệp cùng gắn với sự sáng tạo và độ tuổi khá sát, điểm chung giữa bộ 3 Cương – Đạt – Hà còn nằm ở việc họ đều là “con giai phố cổ”, như tên một tạp văn của Nguyễn Việt Hà. Cụ thể, Lê Thiết Cương ở cạnh chùa Lý Quốc Sư, Đinh Công Đạt gần chợ Hàng Buồm còn Nguyễn Việt Hà ở khu Nhà thờ Lớn.

“Mỗi thân mỗi phận, bách nhân bách tính, mỗi người, mỗi nghề. Viết lách là Hà, đục đẽo là Đạt, vẽ vời là tôi. Và khi 3 cái mặt khác nhau ấy cùng chơi được với nhau thì hẳn đó cũng là một tình bạn… khang khác” – họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết.

Như lời anh, gắn với nơi chốn lớn lên của mỗi người, 3 cái “mặt khác nhau” này cũng cho thấy những nét riêng trong góc nhìn của mỗi người. Vốn rất yêu kinh Phật, Lê Thiết Cương là “Mặt Chùa”. Nguyễn Việt Hà chính là “Mặt Phố”, khi tất cả sáng tác của anh đều gắn với Hà Nội. Còn Đinh Công Đạt là “Mặt Chợ” – nói chính xác là “Kẻ Chợ”, vốn là cái tên dân gian và cũng là bản sắc của đất Thăng Long xưa.

Để rồi, sau 6 tháng chuẩn bị, trưng bày Mặt khác ra đời, với 3 phần chính là… Mặt Chùa, Mặt Phố và Mặt Chợ.

2. Diễn ra vào dịp Trung thu, không ngạc nhiên khi vật phẩm chính của cuộc triển lãm là 150 tác phẩm mặt nạ điêu khắc, làm từ gốm và giấy bồi. Thực tế, số mặt nạ này được nhà điêu khắc Đinh Công Đạt thực hiện, dựa trên nguyên mẫu chính là… gương mặt của tác giả. Và từ phần “phôi” là các mặt nạ có sẵn, đến lượt mỗi người tiếp tục “khâu” sáng tạo của mình.

Ở đó, Lê Thiết Cương vẽ và viết lên phần mặt nạ gốm của mình những câu kinh Phật, còn trên phần mặt nạ giấy bồi là những câu thơ cổ đậm chất thiền của Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Tuệ Trung thượng sĩ. Đó là “Phiền não tức bồ đề”, “Niết bàn tại thế”, “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”…

Nguyễn Việt Hà hài hước nói rằng phần việc của mình nhẹ nhất so với 2 ông bạn, vì chỉ “phải” xử lý khoảng 30 chiếc mặt nạ. Để khớp với hình thức này, đưa lên đó những câu văn ngắn, đa phần dưới 12 chữ và chủ yếu rút từ các tạp bút của mình: “Nát chữ tệ hại hơn nát rượu”, “Đàn ông khi quá yêu thường bốc mùi chân thành”, “Đã là dân phố cổ chẳng có ai đi tỏ tình quanh Bờ Hồ”, “Quà Hà Nội ngon nhất lạ nhất vẫn phải là hàng rong”…

Còn Đinh Công Đạt, phần mặt nạ của anh sử dụng những ô màu, hoa văn, họa tiết… gợi nhớ tới phố cổ Hà Nội. Chưa hết, anh viết trên đó những tên chợ, tên phố, những món ăn vặt vốn cũng đặc sệt Hà Nội và luôn hiện hữu trong cuộc sống mỗi ngày như cốm Vòng, xôi vò hay bún riêu…

Như thế, theo một nghĩa nào đó, Mặt khác là một cuộc trưng bày mang tính gợi mở – khi từ 150 tác phẩm, người xem có thể liên tưởng và nhìn ra những “mặt khác” của Hà Nội theo vốn sống, cảm quan và xúc cảm của mình. Ở đó, Hà Nội không chỉ là một địa danh gắn với kiến trúc và đô thị mà còn là một thế giới đa chiều – nơi mỗi con người, mỗi đường phố đều mang trong mình một câu chuyện ý nghĩa cũng như sự đặc biệt riêng.

Và, ở Mặt khác, từ tình cảm với những ngõ phố cũ vốn là một mảnh ghép chính yếu của Hà Nội, từ sự tĩnh lặng giữa dòng đời xô bồ của những gã trai Hà thành tuổi trung niên, từ bầu không khí vừa khác lạ vừa thân quen, vừa xô bồ vừa rất đáng yêu của khu phố cổ…, người xem càng hiểu thêm về cái phần “di sản phi vật thể” của thành phố này – thứ luôn được bồi đắp để dày mãi theo thời gian từ những người như Hà, Cương hay Đạt.

“Với cách nghĩ của tôi, được sinh ra rồi lớn lên tại Hà Nội đã là một điều may mắn. Hà Nội chẳng của riêng ai, bởi có lẽ ai cũng có… một kiểu Hà Nội của riêng mình” – Nguyễn Việt Hà nói – “Và có lẽ, ai sống lâu tại Hà Nội cũng đều có một phút nào đó trong cuộc đời từng thăng hoa để trở thành nghệ sĩ, cũng đều có chút lấp lánh lãng tử, tài hoa. Nền tảng văn hóa của thành phố này rất dày và đủ sức tạo ra điều đó”.

Exit mobile version
Chuyển đến thanh công cụ